Chuyên san Đổi mới và Phát triển số tháng 11.2022, Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương

Chuyen san DMPT T11.2022_Ver0612-1-5_compressed

1. Tác động của hệ sinh thái khởi nghiệp đối với sự thành công của doanh nhân trong bối cảnh chuyển đổi số tại TP. Hồ Chí Minh

Phạm Quang Huy, Vũ Kiến Phúc

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 1/2022, trang 3.

 

Tóm tắt: Mục tiêu của bài viết chính là nghiên cứu tác động của hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) đến sự thành công của doanh nhân (TCDN) trong bối cảnh chuyển đổi số. Ngoài ra, nghiên cứu hiện tại còn hướng đến phân tích tác động điều tiết của hiệu quả bản thân đến mối quan hệ giữa HSTKN và TCDN. Với dữ liệu thu thập theo phương pháp thuận tiện từ 203 đáp viên công tác tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, những phát hiện trong nghiên cứu này sẽ cung cấp những hàm ý hữu ích cho nhà hoạch định chính sách trong việc ban hành những quy định và hướng dẫn về việc xây dựng HSTKN hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân có những phẩm chất và năng lực cần thiết góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hội nhập và phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số.

Từ khoá: Doanh nhân; Hệ sinh thái khởi nghiệp; Chuyển đổi số

 

2. Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Nguyễn Mai Chi, Ngô Quang Tuấn, Lê Thanh Hà, Đỗ Thị Ngân

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 11.

 

Tóm tắt: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Việt Nam có nhiều cơ hội và đối mặt với không ít những thách thức, nhất là đối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia còn đang trong quá trình hình thành và phát triển. Việc đánh giá thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và nghiên cứu nội dung TPP cho thấy yếu tố luật pháp và cơ sở hạ tầng, vốn và tài chính, lao động và thi trường là những thành phần có ảnh hưởng mạnh nhất đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP. Mặt khác, không phải toàn bộ nội dung Hiệp định mà chỉ có các chương về đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, thương mại điện tử có tác động đáng kể đối với các thành phần kể trên. Bài viết chỉ ra những cơ hội và thách thức mà TPP mang đến cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhằm giúp các nhà chính sách, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức có liên quan trong việc định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đón đầu những cơ hội và vượt qua những thách thức trong xu hướng hội nhập TPP.

Từ khóa: TPP, hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ hội, thách thức

 

3. Một số giải pháp phát triển ứng dụng ngân hàng số BIZ MBBANK tại ngân hàng TMCP Quân độ

Phạm Mạnh Hùng, Đặng Diệu Hường

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 18.

 

Tóm tắt: Ngân hàng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, kết hợp các công nghệ hiện đại, công cụ phân tích để gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Trong đó, một trong những đối tượng khách hàng chiếm tỷ trọng lớn, có sự tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận mà các ngân hàng cần đẩy mạnh chuyển đổi số là đối tượng khách hàng doanh nghiệp (KHDN). Nếu ngân hàng có các chính sách khai thác khách hàng doanh nghiệp hiệu quả thì mức độ trung thành và ổn định của đối tượng này sẽ cao hơn nhiều so với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ. Nằm trong dòng chảy chuyển đổi số mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đưa ứng dụng ngân hàng số BIZ MB vào triển khai nhằm xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng cho các doanh nghiệp. Bài viết cung cấp một số khuyến nghị giải pháp nhằm phát triển hiệu quả ứng dụng ngân hàng số BIZ MB cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng MB.

Từ khoá: Ngân hàng số, khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng, MB

4. Định hướng phát triển marketing số ở Việt Nam

Phạm Duy Hiếu, Phạm Thị Thanh Tâm

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 27.

Tóm tắt: Hiện nay internet trở thành phương tiện kết nối mọi người trên thế giới, với xu thế mọi người sử dụng smartphone trong giao tiếp và giải trí hàng ngày thì marketing số trở thành công cụ để các doanh nghiệp tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Mục tiêu nghiên cứu Xác định các hoạt động của marketing số đang triển khai trên thế giới để áp dụng ở Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu thống kê, phân tích và tổng hợp. Kết quả nghiên cứu Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước và đề xuất các hoạt động marketing số cần triển khai áp dụng ở Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Từ khoá: marketing số, tiếp cận và thỏa mãn khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

5. Ảnh hưởng của thương hiệu trường đại học đến sinh viên lựa chọn trường đại học: Nghiên cứu lý thuyết và Đề xuất khung phân tích

Nguyễn Thị Huyền

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 36.

Tóm tắt: Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định theo học đại học của sinh viên; tuy nhiên, việc điều tra tác động của các yếu tố tạo nên thương hiệu trường đại học lại ít được chú ý nhất. Nghiên cứu đề xuất khung phân tích tác động của thương hiệu trường đại học đến việc lựa chọn trường đại học của sinh viên dựa trên nghiên cứu lý thuyết về mô hình ra quyết định lựa chọn và tổng quan các tài liệu liên quan. Theo đó, mô hình phân tích bao gồm 7 nhóm nhân tố khác nhau liên quan đến đặc điểm của trường đại học: (i) hoạt động giáo dục, (ii) nguồn nhân lực, (iii) chế độ tài chính, (iv) cơ sở vật chất và dịch vụ hỗ trợ, (v) truyền thông hoạt động, (vi) danh tiếng của trường đại học, và (vii) tính cách thương hiệu trường đại học. Nghiên cứu đóng góp cơ sở lý luận về phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn trường đại học của sinh viên dưới góc độ tập trung vào các yếu tố cấu thành thương hiệu trường đại học. Các nhà quản lý đại học có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả của các hoạt động quản lý thương hiệu nhằm thu hút nhiều ứng viên chất lượng hơn.

Từ khóa: xây dựng thương hiệu, thương hiệu đại học, lựa chọn trường đại học, tính cách thương hiệu

 

6. Kiểm định mô hình yếu tố trung gian tài sản thương hiệu gốm sứ Đông Triều – Quảng Ninh tác động đến ý định của của

người tiêu dùng

Ngô Lan Hương, Đặng Thị Thu Giang, Bùi Thị Thúy Hằng, Trần Thị Thu Lan, Trần Thị Thanh Hương

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 50.

Tóm tắt: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu giúp cho các doanh nghiệp (DN) không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Dù đã tại được vị thế trên thị trường, tuy nhiên trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các làng nghề thủ công trong nước, cùng với sự xâm nhập sản phẩm cùng loại của nước ngoài đã và đang ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ sản phẩm gốm sứ Đông Triều. Thông qua từ phỏng vấn người tiêu dùng sản phẩm gốm sứ Đông Triều và sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính SEM, bài viết xác định biến số trung gian có tác động dương tới ý định mua của người tiêu dùng, từ đó, đưa ra những đề xuất quản trị nhằm phát triển thương hiệu gốm sứ địa phương trên thị trường hiện nay.

Từ khóa: tài sản thương hiệu, thủ công mỹ nghệ, mô hình STEM

 

7. Mô hình nghiên cứu lý thuyết trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với người lao động

Nguyễn Thị Ngọc Phương

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 11/2022, trang 59.

Tóm tắt: Nghiên cứu hệ thống hóa các cơ sở lý thuyết của các nghiên cứu trong và ngoài nước về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) đối với người lao động, từ đó hình thành mô hình nghiên cứu lý thuyết các thành phần TNXHDN đối với người lao động. Cụ thể, nghiên cứu trình bày sự phát triển của khái niệm TNXHDN, từ tổng quan lịch sử đến sự xuất hiện các lý thuyết và khái niệm gần đây; những cơ sở lý thuyết cơ bản của TNXHDN; các thành phần để đo lường TNXHDN đối với người lao động; những khoảng trống nghiên cứu và hướng nghiên cứu trong tương lai về TNXHDN. Nghiên cứu có thể được xem như một hướng dẫn thực hành TNXHDN đối với người lao động thông qua nhận thức của họ.

Từ khóa: đo lường TNXHDN, mô hình lý thuyết, người lao động, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.