Sách Doanh nghiệp xã hội: Khởi nghiệp, Quản trị và Tăng trưởng, Chủ biên Trương Thị Nam Thắng

SÁCH “DOANH NGHIỆP XÃ HỘI: KHỞI NGHIỆP, QUẢN TRỊ VÀ TĂNG TRƯỞNG”

Sau gần 5 năm ấp ủ, cuốn sách đầu tiên về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam sẽ được ra mắt bạn đọc vào ngày 19/06/2021. 

Với nỗ lực trong thời gian dài, PGS. Trương Thị Nam Thắng và các cộng sự là các nhà nghiên cứu, thực hành về doanh nghiệp xã hội đang làm việc và học tập tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc và Việt Nam tự tin cuốn sách này có thể trở thành “cuốn sách gối đầu giường” của những ai yêu thích nghiên cứu hoặc muốn tìm kiếm những nội dung, công cụ, lời khuyên liên quan đến khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội. 

Cuốn sách có điều gì đặc biệt? 

Đây là cuốn sách đầu tiên về khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, đi từ lý thuyết đến thực tiễn về từng giai đoạn phát triển một doanh nghiệp xã hội. Cuốn sách hoàn toàn được viết bởi nhóm tác giả người Việt.

Cuốn sách đầu tiên trên thị trường có nghiên cứu sâu về đo lường tác động xã hội, phát triển quy mô tác động xã hội và tăng trưởng. 

Kiến thức được chuẩn hóa dựa trên các lý thuyết về quản trị doanh nghiệp xã hội trên thế giới kết hợp với các ví dụ liên hệ thực tiễn tại Việt Nam.

Nhiều thành viên của Viện VID đã tham gia là thành viên biên soạn cuốn sách này. Đồng thời VID cũng là đối tác truyền thông, quảng bá và phân phối cuốn sách này đến các độc giả Việt Nam đang sinh sống và làm việc không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài.

Viện VID trân trọng giới thiệu Lời nói đầu của cuốn sách “Doanh nghiệp xã hội: khởi nghiệp, quản trị và tăng trưởng” ở dưới đây.

“Từ khi bén duyên với doanh nghiệp xã hội từ 2012 đến nay, là người xây dựng hệ sinh thái, cần mẫn hàng năm, tôi tìm kiếm các nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, công bố các báo cáo quốc gia, xây dựng đội ngũ nghiên cứu bằng cách tiến cử, hỗ trợ các bạn trẻ đi học ở nước ngoài, tổ chức hội thảo học thuật quốc tế hàng năm để giữ lửa cho các nhà nghiên cứu, triển khai các chương trình đào tạo giảng viên đại học, mang Tạp chí sáng tạo xã hội của Đại học Stanford (SSIR) về làm bản tiếng Việt, tôi và các cộng sự tìm cách đưa tinh thần kinh doanh xã hội, sáng tạo xã hội được thực hành nhiều hơn tại Việt Nam.

Chặng đường ra đời của cuốn sách này đã mất năm năm để thực hiện. Đề cương đầu tiên của cuốn sách vẫn còn trong máy tính ở folder nghiên cứu năm 2015. Các mảnh ghép lớn cho lồng ghép nội dung doanh nghiệp xã hội vào các trường đại học đã được xây dựng. Cuốn sách Doanh nghiệp xã hội: Khởi nghiệp, Quản trị và Tăng trưởng này hy vọng đóng một mảnh ghép quan trọng hỗ trợ các thày, cô giảng viên đại học tự tin hơn trong việc đưa môn học về doanh nghiệp xã hội vào giảng dạy. Nhóm biên soạn tự tin rằng cuốn sách không chỉ dùng để giảng dạy, nghiên cứu mà các nội dung, công cụ, lời khuyên từ cuốn sách này hoàn toàn phù hợp với bất kỳ ai quan tâm đến khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, dùng nó như cuốn cẩm nang khởi nghiệp.

Cuốn sách gồm 4 phần được thể hiện trong 10 chương. 

Phần 1: Các vấn đề chung về doanh nghiệp xã hội, với hai chương. Chương 1: Tinh thần kinh doanh xã hội và doanh nghiệp xã hội và Chương 2: Doanh nghiệp xã hội trên thế giới. 

Phần 2: Khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, với ba chương. Chương 3: Nhận biết tiềm năng cho khởi nghiệp xã hội, Chương 4: Hoạch định chiến lược cho khởi nghiệp xã hội và Chương 5: Các mô hình doanh nghiệp xã hội.

Phần 3: Quản trị doanh nghiệp xã hội với bốn chương. Chương 6: Mô hình quản trị doanh nghiệp xã hội, Chương 7: Hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp xã hội; Chương 8: Huy động nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp xã hội; và Chương 9: Đo lường tác động xã hội.

Phần 4: Tăng trưởng doanh nghiệp xã hội với Chương 10: Phát triển quy mô tác động xã hội và tăng trưởng doanh nghiệp xã hội.

Cuốn sách còn nhiều điểm thiếu sót. Với tâm thế của người khởi nghiệp xã hội, nhóm biên soạn coi đây là sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP), có thử, có sai, và có điều chỉnh. Cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn trong các lần xuất bản tiếp theo. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin cuốn sách đọc được, học được và hành được.

Cuốn sách không thể thực hiện nếu không có nỗ lực đóng góp của rất nhiều người, họ là những người bạn, đồng nghiệp, học trò của tôi. Điều tự hào nhất không chỉ là sản phẩm cuốn sách này, mà là việc truyền cảm hứng và xây dựng được một đội ngũ kế cận, tiếp bước cả trong nghiên cứu, giảng dạy và thực hành về mảng sáng tạo xã hội và doanh nghiệp xã hội. Cuốn sách đã có sự tham gia của các cộng sự:

Chương 1, Tinh thần khởi nghiệp xã hội và doanh nghiệp xã hội, Trương Thị Nam Thắng, Đinh Hoàng Hồng Sơn.

Chương 2, Doanh nghiệp xã hội trên thế giới, Đinh Anh Tuấn.

Chương 3, Nhận biết tiềm năng cho khởi nghiệp xã hội, Lưu Thu Giang.

Chương 4, Hoạch định chiến lược cho khởi nghiệp xã hội, Lưu Thu Giang.

Chương 5, Các mô hình doanh nghiệp xã hội, Nguyễn Thuỳ Linh, Phan Phương Nam.

Chương 6, Mô hình quản trị doanh nghiệp xã hội, Phan Phương Nam.

Chương 7, Hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp xã hội, Hoàng Thu Phương

Chương 8, Huy động nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp xã hội, Phan Phương Nam

Chương 9, Đo lường tác động xã hội, Trương Thị Nam Thắng, Nguyễn Hoàng Bảo Uyên, Lê Thanh Tuyên

Chương 10, Phát triển quy mô tác động xã hội và tăng trưởng doanh nghiệp xã hội, Phan Phương Nam 

Cuốn sách đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật của Huỳnh Thị Kim Yến và Nguyễn Thị Hồng Vân từ Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (VID) 

Đề cương cuốn sách được góp ý bởi TS. Sheila Cannon, Trung tâm Sáng tạo Xã hội, Đại học Trinity College Dublin. Cuốn sách được thực hiện trong khuôn khổ Dự án tăng tốc sáng tạo xã hội và doanh nghiệp xã hội giữa Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung tâm Sáng tạo xã hội, Trinity College Dublin, tài trợ bởi Đại sứ quán Ireland thông qua Chương trình trao đổi giáo dục song phương Việt Nam Ireland (VIBE). Cuốn sách là hoạt động đóng lại của một dự án hợp tác nhiều năm giữa các nhà khoa học hai nước. Nhìn lại chặng đường từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã trở nên tự tin và thực hiện được rất nhiều việc cho bản thân với tư cách là nhà nghiên cứu, cũng như cho hệ sinh thái sáng tạo xã hội, doanh nghiệp xã hội Việt Nam.

Tôi cũng muốn thể hiện lòng biết ơn đến các doanh nhân xã hội, đội ngũ đang làm việc trong các doanh nghiệp xã hội, trong các tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh doanh xã hội, những người đã luôn là nguồn cảm hứng cho tôi và các đồng nghiệp dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ này, để chúng tôi cũng không ngừng sáng tạo và đổi mới vì một thế giới tốt đẹp và bao trùm hơn.

Hà Nội, tháng 5 năm 2021

Trương Thị Nam Thắng”