Chuyên san Đổi mới và Phát triển số tháng 9.2022, Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương

1. Thách thức cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: từ cách tiếp cận đo lường mức độ phát triển

Trương Thị Nam Thắng Đinh Anh Tuấn, Chu Hà Giang, Trần Đức Nhật Anh

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 3.

 

Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, những xu hướng mới hình thành từ sau đại dịch COVID-19, cũng như những bất ổn từ kinh tế xã hội toàn cầu, chính phủ đặt kỳ vọng cao vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như một trong các động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, từ đó tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái hỗ trợ cho việc hình thành và tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bài viết này tập trung vào phân tích những kết quả ban đầu từ nghiên cứu đánh giá mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, thông qua các dữ liệu định tính từ các hội thảo tham vấn và phỏng vấn sâu chuyên gia về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Dù có những thành công bước đầu đáng khích lệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, tồn tại nhiều hạn chế: mật độ của khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ KNST chưa đồng đều; văn hóa KNST chưa thực sự có cái nhìn đúng đắn về rủi ro; sự hiện diện của vốn và tài chính cho khởi nghiệp đã cải thiện, nhưng mức độ hấp thụ vốn còn là vấn đề tồn tại; thiếu một triết lý và chương trình đào tạo đồng nhất cho KNST.

Từ khoá: hệ sinh thái, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển

 

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thành lập doanh nghiệp của sinh viên đại học tại

thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Duy Hiếu, Trần Đình Dân, Phạm Quỳnh Như

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 15.

 

Tóm tắt: Các trường đại học trên thế giới đã cung cấp nguồn nhân lực tham gia vào tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, …nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển xã hội, nâng cao đời sống con người. Xu thế khởi nghiệp trên thế giới thúc đẩy các trường đại học nghiên cứu các biện pháp, quá trình đào tạo, các chương trình hỗ trợ nhằm kích thích các tiềm năng, phát triển các ưu thế cá nhân để nuôi dưỡng kỳ vọng lập doanh nghiệp của thế hệ trẻ. Nghiên cứu này nhằm tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến ý định lập doanh nghiệp của sinh viên ngành kinh tế tại Tp Hồ Chí Minh. 

Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, trường đại học, ý định lập doanh nghiệp của sinh viên.

 

3. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh của các sinh viên

tại Trường đại học Trà Vinh

Nguyễn Thiện Thuận, Lê Thị Thúy Duy

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 25.

 

Tóm tắt: Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh của sinh viên tại trường Đại học Trà Vinh. Nghiên cứu được tiến hành qua hai giai đoạn là nghiên cứu định tính sơ bộ và nghiên cứu định lượng chính thức. Với phương pháp chọn mẫu thuận tiện, thu về 300 phiếu hợp lệ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 7 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh của sinh viên  theo thứ tự giảm dần như sau: (1) Nhận thức về môi trường, (2) Nhận thức về sức khỏe, (3) Nhãn sinh thái, (4) Cảm nhận về giá, (5) Chiêu thị xanh, (6) Ảnh hưởng xã hội, (7) Kiến thức về tiêu dùng xanh. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đã đưa ra một số hàm ý quản trị giúp nhà trường định hướng và thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh cho sinh viên.

Từ khoá: hành vi tiêu dùng xanh, trường Đại học Trà Vinh

 

4. Ảnh hưởng của các thông lệ quản trị nguồn nhân lực đến nhận thức về thành quả của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Lạt

Nguyễn Minh Như Anh, Nguyễn Văn Anh

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 33.

Tóm tắt: Nghiên cứu này đã được thực hiện dựa trên dữ liệu được thu thập từ 291 nhân sự làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Đà Lạt theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả cho thấy có 06 yếu tố của thông lệ quản trị nguồn nhân lực có ảnh hưởng đến nhận thức về thành quả của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú vừa và nhỏ theo mức độ ảnh hưởng giảm dần như sau: Sự tham gia của nhân viên (TG), Đánh giá kết quả công việc (DG), Điều kiện làm việc (DK), Đãi ngộ và lương thưởng (LT), Đào tạo và phát triển (PT), Tuyển dụng và tuyển chọn (TD). Dựa trên kết quả này, một số hàm ý quản trị cho các nhà quản lý kinh doanh lưu trú vừa và nhỏ đã được tác giả nêu ra.

Từ khoá: Quản trị nguồn nhân lực, Sự tham gia của nhân viên, Khách sạn vừa và nhỏ

 

5. Tác động của các phương thức làm việc từ xa đến các khía cạnh tài chính của người lao động tại Việt Nam thời kì dịch bệnh COVID-19

Nguyễn Vũ Khuê Long

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 48.

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều khó khăn cho thế giới. Các chính phủ đã công bố các quy định mới nhằm hạn chế hậu quả của virus và duy trì các hoạt động kinh tế trong điều kiện tốt nhất có thể. Một trong những giải pháp tốt nhất là làm việc từ xa. Bài nghiên cứu này bàn luận về cách thức triển khai ảnh hưởng đến các khía cạnh tài chính của người sử dụng lao động và người lao động ở Hà Nội, Việt Nam. Bài nghiên cứu sẽ (1) đề xuất khung lý thuyết để phân tích khía cạnh tài chính và thói quen chi tiêu của chủ công ty và nhân viên trong hoàn cảnh làm việc từ xa; (2) làm rõ những tác động tích cực và tiêu cực của làm việc từ xa đối với tài chính của doanh nghiệp và nhân viên trong doanh nghiệp; (3) đề xuất một số giải pháp cải thiện tài chính cho doanh nghiệp và nhân viên khi làm việc từ xa trong tương lai. Bài nghiên cứu sẽ là tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp và lực lượng lao động Việt Nam, giúp cho luật pháp, mô hình kinh doanh và các quy tắc đối với phương thức làm việc từ xa có thể hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn.

Từ khóa: COVID-19, làm việc từ xa, các khía cạnh tài chính

 

6. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Phạm Thị Cẩm Vân, Lê Thị Đông

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 9/2022, trang 61.

Tóm tắt: Trong giai đoạn từ 2011- 2020, Bắc Ninh luôn nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút dòng vốn FDI lớn nhất cả nước, là một điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp khu vực FDI đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mặc dù vậy, việc thu hút nhiều dự án lớn trong thời gian ngắn mà chưa có chính sách sàng lọc và chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nên Bắc Ninh đã gặp phải những hạn chế về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, thu hút dòng vốn FDI sạch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết mà lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân Bắc Ninh phải làm trong thời gian tới. Trước vấn đề này, các tác giả đã phân tích thực trạng thu hút FDI từ đó chỉ ra những những thách thức, khó khăn mà địa phương gặp phải trong giai đoạn tăng trưởng nóng vừa qua. Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm được rút ra từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ, các tác giả xin đề xuất một số giải pháp để thu hút dòng vốn FDI theo hướng tăng trưởng xanh, giúp địa phương phát triển bền vững lâu dài.

Từ khóa: Dòng vốn FDI, Bắc Ninh, tăng trưởng xanh.

Thang 9 IID_chuyen san doi moi phat trien_-1-5