Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia: Vai trò của doanh nghiệp xã hội đối với phát triển xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019-2021

VIỆN VID THAM GIA NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỖ TRỢ CHO ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP NHÀ NƯỚC “VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM”

Viện VID ngoài tham gia với tư cách là thành viên chủ chốt của Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước này, còn thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực địa cho đề tài như khảo sát bảng hỏi cho doanh nghiệp xã hội trên toàn bộ Việt Nam, đồng tổ chức các hội thảo cấp quốc gia của Đề tài.

Khu vực DNXH được khẳng định có tiềm năng giúp Nhà nước giải quyết một số thất bại của thị trường khi khu vực tư nhân không quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội, không quan tâm đầu tư vào các thị trường không tiềm năng, thu nhập thấp; bên cạnh đó khu vực công không thể giải quyết hết mọi vấn đề, thách thức về xã hội và môi trường như cung cấp dịch vụ công, tạo việc làm cho mọi người, hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế, đảm bảo công bằng xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh có đạo đức và lành mạnh hơn. Đây chính là phần thị trường ngách mà DNXH tham gia vào xoá lỗ hổng thị trường này.

Năm năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp với điều 10 về DNXH có hiệu lực, việc đánh giá tác động của khái niệm pháp lý đối với DNXH cũng như xem xét liệu khu vực DNXH có thể đóng vai trò như thế nào đối với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cả ở chiều rộng và chiều sâu là cần thiết. Đây chính là lý do chính để thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước ‘Doanh nghiệp xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam” mã số KX.01.44/16-20. 

Đề tài có mục tiêu chung là:

  •     Nhận diện vai trò, vị trí của DNXH trong nền kinh tế thị trường;
  •     Đánh giá thực trạng phát triển, đóng góp của DNXH và những bất cập hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với DNXH ở Việt Nam;
  •     Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển khu vực DNXH đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể của Đề tài bao gồm

Về lý luận

            Làm rõ khái niệm, nội dung của DNXH, các yếu tố tác động đến khu vực DNXH đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

Về kinh nghiệm thực tiễn

            Nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển khu vực DNXH ở một số quốc gia tiêu biểu bao gồm Vương quốc Anh, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trongthúc đẩy việc phát triển khu vực DNXH đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

Về thực trạng

  •     Phân tích và đánh giá đúng thực trạng phát triển, vai trò, đóng góp của khu vực DNXH tại Việt Nam;
  •     Đánh giá các yếu tố tác động đến DNXH ở Việt Nam, trong đó khuôn khổ pháp lý, chính sách là yếu tố chính. Đánh giá những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với DNXH ở Việt Nam.

Về khuyến nghị chính sách

  •     Đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng giúp thúc đẩy khu vực DNXH ở Việt Nam đến năm 2035 trong yêu cầu phát triển xã hội.
  •     Đề xuất chính sách và các giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực DNXH đóng góp vào phát triển xã hội Việt Nam, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035.

Sản phẩm cuối cùng của Đề tài ngoài việc đưa vào điều chỉnh một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến Doanh nghiệp xã hội. Báo cáo tổng hợp đã được biên tập để công bố thành sách chuyên khảo xuất bản bởi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2021. Sách được đồng chủ biên bởi PGS. TS. Bùi Đức Thọ và PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng.