Chuyên san Đổi mới và Phát triển số tháng 6.2021, Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương

1. Khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tác động xã hội Việt Nam

Trương Thị Nam Thắng, Nguyễn Thị Hồng Vân.

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 3.

 

Tóm tắt: Doanh nghiệp xã hội với mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, phục vụ cộng đồng đã được đưa vào Điều 10, Luật Doanh nghiệp 2014 và tiếp tục tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020. Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ coi là ưu tiên từ năm 2016. Phát triển bền vững đã được đưa vào mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia từ năm 2015 đến nay. Doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội (impact startup) là một hình thái mới được đặt tên như là mô hình lai ghép giữa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) và doanh nghiệp xã hội. Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát 100 impact startup, giúp cung cấp cái nhìn tổng quan về khu vực doanh nghiệp mới mẻ này ở Việt Nam. Các khuyến nghị được đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo vì phát triển bền vững ở Việt Nam.

Từ khoá: Doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động, doanh nghiệp xã hội, phát triển bền vững.

 

2. Đề xuất khung phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp đối với thanh niên

Đỗ Thị Hoa Liên, Nguyễn Thị Anh Trâm

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 14.

 

Tóm tắt: Thúc đẩy tăng số lượng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hiện đang là trọng tâm chính trong chính sách phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tạo ra các điều kiện hỗ trợ hay môi trường thuận lợi chung cho các doanh nghiệp là chưa đủ, mà cần phải có hệ sinh thái khởi nghiệp tạo môi trường nuôi dưỡng và duy trì tinh thần doanh nhân. Không có hệ sinh thái khởi nghiệp nào có thể được thiết kế bền vững hoàn toàn mà không tính đến bối cảnh cụ thể, mỗi khu vực cần xây dựng hệ sinh thái tương ứng với môi trường và các thuộc tính văn hóa, xã hội địa phương nhằm giúp các doanh nhân thành công. Trên cơ sở tổng quan lý thuyết và thực tiễn, các tác giả bài viết đã đề xuất khung phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp đối với thanh niên, trong đó xác định các yếu tố chính của hệ sinh thái khởi nghiệp là các yếu tố tài nguyên, môi trường và mối quan hệ giữa chúng.

Từ khóa: Hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp, khung phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp, thanh niên khởi nghiệp.

 

3. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Nghiên cứu trường hợp của các doanh nghiệp công nghiệp Phú Thọ

Vũ Thị Phương Lan

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 24.

 

Tóm tắt: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không phải là chủ đề mới trên thế giới, tuy nhiên tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam chủ đề này còn nhiều cách hiểu và cách nhìn nhận khác nhau, đặc biệt về những lợi ích do thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại. Nghiên cứu được tiến hành tại 253 doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với mục đích tìm kiếm mối quan hệ giữa thực hiện trách nhiệm xã hội với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa thực hiện trách nhiệm xã hội với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Kết quả này có ý nghĩa to lớn đối với việc hoạch định các chính sách tài chính của doanh nghiệp.

Từ khoá: Doanh nghiệp công nghiệp, Phú Thọ, trách nhiệm xã hội.

 

4. Tổng thuật một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hạnh phúc của người lao động

Trương Ngọc Anh

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 34.

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu tổng quan về mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hạnh phúc của người lao động. Tác giả tổng hợp, phân loại, đánh giá các nghiên cứu về hạnh phúc của người lao động, về phong cách lãnh đạo và về mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hạnh phúc của người lao động. Từ kết quả nghiên cứu tổng quan, tác giả nhận thấy phong cách lãnh đạo chuyển dạng (transformational leadership) vượt trội hơn phong cách lãnh đạo chuyển tác (transactional leadership) và phong cách lãnh đạo bị động, tự do (laissez-faire leadership) trong việc góp phần làm nâng cao mức độ cảm nhận hạnh phúc trong công việc của người lao động. 

Từ khoá: Hạnh phúc của người lao động, phong cách lãnh đạo, phong cách lãnh đạo bị động, phong cách lãnh đạo chuyển dạng, phong cách lãnh đạo chuyển tác.

 

5. Đo lường tác động của doanh nghiệp tạo tác động xã hội ngành nông nghiệp tại Việt Nam

Phan Phương Nam, Phùng Thị Thu Trang, Trương Thị Nam Thắng, Ashley Stevens

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 44.

Tóm tắt: Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (DNTTĐ) là một khu vực tiềm năng tạo ra các tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn DNTTĐ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc đo lường các tác động mà doanh nghiệp tạo ra. Đây được xem là một trong những điểm yếu lớn nhất của khu vực DNTTĐ tại Việt Nam hiện nay. Việc thiếu hụt công cụ đo lường phù hợp với bối cảnh và dễ dàng sử dụng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp khi đo lường tác động, do đó cần có những hoạt động nghiên cứu, phát triển công cụ đo lường tác động phù hợp cho khu vực DNTTĐ tại Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm thử nghiệm hiệu quả của một công cụ đo lường tác động mới dành cho DNTTĐ tại Việt Nam. Công cụ bao gồm 4 phần chính: tổng quan, tác động kinh tế, tác động xã hội và tác động môi trường. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 20 doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực có nhiều DNTTĐ hoạt động nhất và mang tính đại diện cao cho khu vực này. Kết quả sơ bộ từ nghiên cứu đã chỉ ra nhiều ý nghĩa thực tiễn, cả về mặt học thuật và khả năng áp dụng thực tế trong doanh nghiệp, đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác nhằm hoàn thiện hơn công cụ đo lường tác động dành cho khu vực DNTTĐ tại Việt Nam.

Từ khóa: Doanh nghiệp tạo tác động, đo lường tác động, nông nghiệp.

 

6. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành kinh tế

Nguyễn Hoàng Hiếu

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 6/2021, trang 56.

Tóm tắt: Nghiên cứu này áp dụng Lý thuyết Hành vi có Kế hoạch (Theory of Planned Behaviour) nhằm phân tích Ý định khởi nghiệp của sinh viên năm cuối chuyên ngành kinh tế. Sáu yếu tố chính được xác định sau nghiên cứu định tính sơ bộ, bao gồm Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp, Chuẩn mực chủ quan, Nhận thức kiểm soát hành vi, Nhận thức năng lực tài chính, Tính cách và Học vấn. Một khảo sát đã được thực hiện với sự tham gia của 434 sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Kết quả cho thấy Nhận thức kiểm soát hành vi có tác động lớn nhất đến Ý định khởi nghiệp, cùng với Động lực Khởi nghiệp và Tính cách. Mặt khác, tác động của Nhận thức năng lực tài chính và Học vấn là không rõ ràng. Nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn về Ý định khởi nghiệp của sinh viên kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng. Dựa trên kết quả, một số khuyến nghị để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp được đề xuất. 

Từ khóa: Lý thuyết Hành vi có Kế hoạch, sinh viên năm cuối ngành kinh tế, Ý định khởi nghiệp.

06-Untitled-1