Chuyên san Đổi mới và Phát triển số tháng 7.2022, Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương

1. Giải pháp thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp – Nghiên cứu tại tỉnh Kon Tum

Phan Thị Thanh Trúc

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 3.

 

Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá môi trường khởi nghiệp tỉnh Kon Tum thông qua việc phỏng vấn 48 chuyên gia dựa trên bộ chỉ số GEM, đặc biệt lưu ý đến hoạt động khởi nghiệp các mà tiêu chí này hướng tới dành cho nữ giới. Kết quả cho thấy hầu hết tiêu chí đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương còn thấp và trung bình cụ thể nguồn tài chính, giáo dục kinh doanh các bậc phổ thông, bậc đại học, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, độ mở thị trường có giá trị thấp nhất trong các tiêu chí. Căn cứ vào đó là cơ sở để đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, từ đó làm cơ sở thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp.

Từ khoá: Hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp, Kon Tum, phụ nữ

 

2. Xây dựng thang đo hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Trà Vinh

Vũ Minh Tâm, Thạch Phước Bình, Nguyễn Thanh Hùng, Lưu Bảo Anh, Lê Anh Vân

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 13.

 

Tóm tắt: Hành vi khởi nghiệp của doanh nhân tiềm năng luôn chịu sự tác động nhất định từ các thành phần cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương. Trên cơ sở tổng hợp, lược khảo tài liệu, thảo luận chuyên gia để xây dựng thang đo nháp, khảo sát sơ bộ để điều chỉnh thang đo chính thức, tiến hành khảo sát chính thức và tiến hành kiểm định giá trị tin cậy của thang đo chính thức bằng phân tích CFA, nghiên cứu đã đề xuất 15 thang đo với 68 yếu tố tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh Trà Vinh bao gồm: Văn hóa khuyến khích khởi nghiệp, Văn hóa Biểu dương điển hình khởi nghiệp, Chính sách tháo bỏ các rào cản đối với khởi nghiệp, Hệ thống giáo dục khởi nghiệp, Chương trình hình thức đào tạo khởi nghiệp, Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp, Tài chính bên ngoài hỗ trợ, Khách hàng tiềm năng, Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, Quy mô của thị trường đáp ứng mục tiêu khởi nghiệp, Mạng liên kết khởi nghiệp, Tài chính cá nhân của nhà khởi nghiệp, Nguồn nhân lực và Hệ thống tư vấn cố vấn khởi nghiệp.

Từ khóa: Thang đo, hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, Trà Vinh

 

3. Các đặc điểm tính cách tác động đến ý định đầu tư tiền điện tử của nhà đầu tư cá nhân: Một nghiên cứu tại Việt Nam

Phạm Xuân Kiên, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Ngọc Duy, Trần Thị Xuân Châu

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 21.

 

Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm xác định các đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến thái độ đối với đầu tư và ý định đầu tư tiền điện tử của nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam, đo lường mức độ ảnh hưởng của từng đặc điểm tính cách đến thái độ đối với đầu tư và ý định đầu tư tiền điện tử của nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp giúp cho các nhà tư vấn đầu tư độc lập và các tổ chức tư vấn đầu tư trong thị trường giao dịch tiền điện tử hiểu được đặc điểm tính cách của khách hàng cá nhân của mình để nhận biết, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.

Từ khoá: đặc điểm tính cách, tiền điện tử, ý thái độ đối với đầu tư, ý định đầu tư

 

4. Mối quan hệ giữa Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và Giá trị thương hiệu – Tổng quan lý thuyết trong ngành khách sạn tại Việt Nam

Phùng Tuấn Thanh, Huỳnh Thị Thùy Giang

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 29.

 

Tóm tắt: Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, bên cạnh danh tiếng  thương hiệu và thị phần, đóng góp của mỗi công ty đối với các bên liên quan thông qua phúc lợi công cộng chủ yếu thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm, đặc biệt là trong ngành khách sạn. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng triết lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được sử dụng để phát triển các chiến lược giá trị thương hiệu doanh nghiệp, mặc dù trong những điều kiện nhất định, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng có thể được sử dụng. Điều này có thể dẫn đến kết quả tiêu cực cho doanh nghiệp. Các bằng chứng thực nghiệm được thu thập cho đến nay vẫn còn mâu thuẫn khi xem xét mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu vì nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: tổ chức, môi trường và mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề trên, nghiên cứu đề xuất một mối quan hệ chung nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp khách sạn ở Việt Nam.. Kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở để các nghiên cứu tiếp theo phát hiện ra những kết quả quan trọng trong mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giá trị thương hiệu, từ đó đưa ra những khuyến nghị mới cho ngành khách sạn Việt Nam.

Từ khoá: khách sạn; khách hàng; sự tin tưởng của khách hàng; sự tham gia của khách hàng; trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; giá trị thương hiệu

 

5. Vai trò của cách tiếp cận trách nhiệm xã hội trong việc hệ thống hoá thực hành đạo đức của doanh nghiệp

Nguyễn Phương Linh

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 38.

 

Tóm tắt: Mục tiêu của bài nghiên cứu là giải quyết các vấn đề hiện hữu trong hoạt động kinh doanh đi kèm với trách nhiệm xã hội tại Việt Nam. Đầu tiên, về mặt lý luận, mục đích của bài nghiên cứu nhằm tìm ra khái niệm đạo đức được định nghĩa và thực hiện như thế nào trong bối cảnh Việt Nam và ở mức độ nào thì nó có thể được coi là nguồn gốc của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Về mặt thực tiễn, mục tiêu của nghiên cứu tập trung vào trường hợp của các loại hình công ty khác nhau để đưa ra mô hình thực hành CSR trong môi trường doanh nghiệp ở Việt Nam, qua đó tìm ra môi trường kinh doanh ở Việt Nam có hay không hỗ trợ việc kinh doanh đi kèm với trách nhiệm xã hội.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, Việt Nam

 

6. Cơ sở lý luận phát triển mô hình và khung phân tích hành vi mua sắm tại cửa hàng tiện lợi của người tiêu dùng Việt Nam

Lê Văn Nam, Nguyễn Viết Lâm

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 46.

 

Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm mục đích xây dựng mô hình và khung phân tích hành vi mua sắm (HVMS) tại cửa hàng tiện lợi (CHTL) của người tiêu dùng Việt Nam (NTD VN). Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn mà chất liệu cho nghiên cứu gồm những khái niệm, quy luật, tư liệu, số liệu, sách, báo, các nghiên cứu tiền nhiệm… đã có sẵn trước đó. Kết quả, tác giả đã công bố mô hình lý thuyết với phạm vi rộng mang tính tổng hợp, khái quát hóa cao về 06 mẫu HVMS của NTD tại CHTL bao gồm: Chọn kênh mua; Chọn sản phẩm mua; Thời gian và tần suất mua; Phương thức mua; Phản ứng với các hoạt động xúc tiến bán và Hành vi sau mua. Kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp thêm cơ sở lý thuyết để phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có góc nhìn toàn cảnh về HVMS của NTD làm cơ sở đưa ra các quy định quản trị kinh doanh.

Từ khóa: hành vi mua sắm; người tiêu dùng; cửa hàng tiện lợi

 

7. Các yếu tố ảnh hưởng ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bùi Đăng Khoa, Lê Nguyễn Đoan Khôi

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 55.

 

Tóm tắt: Bài viết trình bày tổng quan về lý thuyết ứng dụng TMĐT (TMĐT) và các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng TMĐT; tổng quan về mối quan hệ giữa mức độ ứng dụng TMĐT và hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT; qua đó chọn lựa mô hình nghiên cứu xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ ứng dụng TMĐT và ảnh hưởng của mức độ ứng dụng TMĐT đến hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT của các DN kinh doanh ngành Du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: Thương mại điện tử; Kinh doanh du lịch; Ứng dụng thương mại điện tử; Ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh du lịch.

 

8. Mô hình quản lý an toàn trong chuyển đổi số của các ngân hàng cho vay trực tuyến

Tô Minh Hương

Số chuyên san Đổi mới và Phát triển tháng 7/2022, trang 69.

 

Tóm tắt: Trong những năm qua, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Quá trình chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ thay đổi tư duy và cách thức quản lý hướng đến các mô hình kinh doanh tinh gọn, hiện đại và thông minh hơn. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các ngân hàng cho vay trực tuyến như: Cơ sở pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, hạn chế về nền tảng công nghệ. Nghiên cứu này khái quát xu hướng phát triển của lĩnh vực ngân hàng trực tuyến, nhận diện những cơ hội, thách thức trong quản lý an toàn chuyển đổi số và đưa ra kiến nghị thông qua việc phân tích theo mô hình lý thuyết trò chơi tiến hoá.

Từ khóa: Chuyển đổi số, lý thuyết trò chơi, mô hình quản lý, xu hướng phát triển, ngân hàng trực tuyến 

VID-so-thang-7-edited_pdf-1-5